Trở lại với hàng loạt mẫu mã cải tiến, mùa trăng năm nay, những chiếc lồng đèn thuần Việt Kibu lại tiếp tục gây ngạc nhiên bởi tính giáo dục và thông điệp giàu tính nhân văn của người sáng tạo nên chúng.
Gặp lại Lâm Thụy Nguyên Hồng, Giám đốc Sáng tạo Công ty CP Mỹ thuật Gia Long, khi mùa trăng tháng 8 vừa về, không giấu được vẻ tự hào, chị khoe ngay những hình ảnh “đội quân” lồng đèn diễu phố của mình đang tràn ngập những trang Facebook.
“Đây không phải là cách marketing của chúng tôi cho lồng đèn sáng tạo Kibu mà đơn thuần chỉ là các bạn trẻ bắt gặp những xe bán lồng đèn dạo của chúng tôi rồi ghi lại hình ảnh, chia sẻ cho mọi người”, chị thật thà.
Quả vậy, những ngày qua, rất nhiều người Sài Gòn đã ngạc nhiên lẫn thích thú khi vô tình gặp được màu cam chói lóa của những chiếc xe đạp treo đầy lồng đèn bán rong trên từng con phố.
Tò mò vì hình thức bán hàng lạ một phần nhưng điều thu hút sự chú ý hơn cả là hình dáng ngộ nghĩnh và mới lạ của những chiếc lồng đèn giấy. Này là lồng đèn lâu đài, kia là lồng đèn xe buýt, xe taxi, còn nọ là lồng đèn siêu nhân..., đính kèm với mỗi chiếc lồng đèn là những chiếc mặt nạ xinh xắn, được thiết kế theo cùng chủ đề.
Chị Hồng tiết lộ: “Chúng tôi muốn mang đến cho khách hàng nhí của mình khả năng tư duy logic về nghề nghiệp, về các hiện tượng đời sống... khi sử dụng sản phẩm của mình nên cố gắng đưa ra các vật dụng liên quan với nhau như lồng đèn lâu đài thì đi với mặt nạ công chúa, lồng đèn xe buýt thì đi chung với mặt nạ bác tài xế, mặt nạ đầu bếp dành cho lồng đèn cá vàng... Với những chất liệu này, phụ huynh có thể kể cho con nghe những câu chuyện xung quanh các ngành nghề khác nhau để phát triển trí tưởng tượng của trẻ nhỏ và cho trẻ vào vai những nhân vật mà chiếc lồng đèn thể hiện”.
Chính điều này đã gây được sự thích thú cho khách hàng của Kibu.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của những chiếc lồng đèn Kibu không nằm ở kiểu dáng hay phụ kiện mà là tính tương tác. Không giống như các mẫu lồng đèn truyền thống, sản phẩm của Kibu chỉ là những mảnh ghép rời.
Người dùng khi mua về sẽ phải dành thời gian để tự tay lắp ghép, dán cố định... rồi mới có thể sử dụng.
“Ký ức về những mùa trăng tuổi thơ cùng cha mẹ làm lồng đèn đã dẫn lối cho tôi có được ý tưởng này. Tôi muốn trẻ em dù sống trong thời hiện đại vẫn có được những ký ức đẹp như thế vào mỗi mùa Trung thu. Đây cũng là cách giúp cha mẹ gần gũi hơn với con cái”, chị Hồng chia sẻ.
Đây là năm thứ hai Kibu có mặt trên thị trường. Rút kinh nghiệm từ mùa trăng đầu tiên, đội ngũ thiết kế Kibu đã tìm được cho sản phẩm cách lắp ráp đơn giản hơn nhưng đường kết nối lại chắc chắn hơn...
Vì điều này mà Kibu khá tự tin, vừa xuất hiện ở phố lồng đèn quận 5, vừa vào các nhà sách, vừa phân phối lưu động... 18 xe phân phối Kibu đang làm tốt nhiệm vụ phân phối của mình nhưng điều đặc biệt hơn cả là những nhân viên của Kibu còn tự mình phân phối thêm trên các trang mạng xã hội.
Nhờ vậy mà lượng tiêu thụ sản phẩm ngày một nhiều hơn. Đón nhận Kibu, không chỉ có khách hàng truyền thống mà khá nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm đến, đặt hàng số lượng lớn làm quà tặng.
Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm khó vì cũng đã có một vài doanh nghiệp sao chép ý tưởng của Kibu để làm nên sản phẩm quà tặng của mình, cho dù các sản phẩm của Kibu đã được đăng ký bản quyền sáng tạo.
Chị Hồng chia sẻ, mục tiêu làm mới giấc mơ trăng rằm của trẻ con phần nào chị đã đạt được từ năm đầu ra quân. Bây giờ lại là thời gian để chị “chiến đấu” với sản phẩm lồng đèn Trung Quốc.
“Lồng đèn nhựa của Trung Quốc bắt đầu không còn được ưa chuộng khi người dùng đối chiếu với sản phẩm lẫn giá bán của Kibu nhưng với lồng đèn giấy, Kibu vẫn chưa thể cạnh tranh do giá bán của sản phẩm ấy quá “mềm”, chị cho biết.
Nhận xét này cũng chính là đề bài mà người phụ nữ này đề ra cho mình cho mùa trăng năm tới để làm thế nào giảm giá thành của Kibu xuống hơn nữa. Hy vọng, một năm đủ để Kibu hoàn thành được giấc mơ này, để lồng đèn Việt có thể tự hào “trấn giữ” sân nhà...